Gu thẩm mỹ

Xấu/đẹp – Tuỳ

Ngày nay, nếu nhắc đến Gu thẩm mỹ, chắc hẳn rất nhiều người sẽ nói với bạn rằng “Gu là tùy thuộc vào quan điểm cá nhân”. Họ thực sự cảm thấy như vậy vì họ không biết tại sao và không có đủ lý luận để phê bình. Có thể là vì họ thấy nó đẹp, hoặc ai đó nổi tiếng nói đẹp, hoặc vì danh tiếng của thương hiệu.

Nếu nói xấu đẹp tùy thuộc vào mỗi cá nhân, thì sẽ không có nhạc hay, thơ hay, tranh đẹp. Cũng sẽ không có khái niệm vượt thời gian, kinh điển và trường tồn. Việc của chúng ta đơn giản là thích những thứ ta cho rằng đẹp và xem nó là tiêu chuẩn của hoàn hảo.

Nghệ thuật tốt” và “Gu thẩm mỹ tốt” có thật sự tồn tại một cách khách quan hay không?

Đối tượng của nghệ thuật là con người, và vì con người có nhiều điểm chung nên điều khiến họ quan tâm không phải là ngẫu nhiên. Con người, ngay cả trẻ em, đều có khả năng nhận biết một gương mặt đẹp và hấp dẫn. Phần đông người Việt chúng ta khi nghe “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn đều có cảm xúc được khơi gợi lên.

Điều này cho thấy hai điều:

  • Thứ nhất, trong mỗi chúng ta luôn có sẵn một khả năng cảm nhận về cái đẹp.

  • Thứ hai, nghệ thuật không phụ thuộc vào đối tượng mà phải đúng theo bản chất của nó. Nghệ thuật vị nhân sinh, dành cho tất cả mọi người. Do đó, nghệ thuật tốt là thứ nghệ thuật mà ai cũng cảm thấy nó tốt đẹp.

Từ hai điều đó, có thể thấy rằng chúng ta có khả năng nhận biết nghệ thuật tốt. Và vì có nghệ thuật tốt, nên cũng có gu thẩm mỹ tốt.

Cái Đẹp

Nếu cái đẹp là có thật, chúng ta cần học cách nhận biết nó (Mỹ học). Nhận thức và hiểu về cái đẹp là điều vô cùng quan trọng để người làm nghệ thuật làm nền tảng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật tốt đẹp.

Tuy nhiên, quá trình nhận biết cái đẹp lại không dễ dàng. Ngày nay, chính yếu tố bên ngoài, chứ không phải chính cảm nhận nghệ thuật, mới là yếu tố định hình mạnh mẽ nhận thức của chúng ta.

Thứ nhất, đối với người bình thường, sự ảnh hưởng từ thương hiệu và sự công nhận từ số đông rất mạnh mẽ. Do kỳ vọng của xã hội, họ lo ngại rằng nếu không đánh giá cao những gì được coi là hay, đẹp và được số đông yêu thích, họ có thể bị coi là thấp kém. Áp lực từ xã hội không chỉ ảnh hưởng đến bản sắc và sự độc đáo của mỗi người mà còn khiến họ phải tự thuyết phục bản thân thích những thứ mà số đông đang đánh giá cao.

Thứ hai, khác với các vật thể tự nhiên như: trái nho thanh ngọt, mái bờm dày dặn của một con sư tử, thì người nghệ sĩ thường sử dụng các thủ thuật để thao túng nhận thức của chúng ta. Họ có thể sử dụng những thủ thuật tinh vi như kiểm soát mức độ chi tiết trong tác phẩm, sử dụng màu sắc hoặc viết lời nhạc gợi mở những câu trả lời trong tâm trí người nghe, để đặt ra kỳ vọng và tạo ra những hiệu ứng nhất định. Giống như việc bạn nói điều gì đó thông minh một cách đột ngột trong một cuộc trò chuyện, nhưng sự thật bạn đã từng nói điều đó với những người khác.

Như vậy, việc đánh giá nghệ thuật là một thách thức không chỉ đối với cá nhân nói riêng mà còn cho cả lĩnh vực nghệ thuật nói chung. Số đông và dư luận tạo ra áp lực lớn, khiến chúng ta đánh giá nghệ thuật trong khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố bên ngoài. Giống như việc ai đó cố gắng cảm nhận vị nước lèo của một tô phở được cho rất nhiều gia vị, rất khó để nhận biết được hương vị nguyên bản.

Những cá nhân có gu thẩm mỹ tốt hơn là những người có thể tập trung và đánh giá cao những phẩm chất nghệ thuật đích thực mà không bị ảnh hưởng quá mức bởi các yếu tố bên ngoài và thủ thuật của các nghệ sĩ. Giống như việc ai có có khả năng ‘nếm vị nước lèo nguyên bản’ bất chấp sự hiện diện của các gia vị.

Last updated

Was this helpful?